Mũ sắt phòng không – liệt sĩ Trần Ẩn sử dụng khi làm nhiệm vụ
Những ai đã từng sống và chiến đấu ở Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ sẽ không thể nào quên những ngày rực lửa của Thủ đô, thời điểm mà cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắt đầu vào giai đoạn ác liệt nhất. Khi ấy lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội luôn có mặt ở những tuyến đầu, kề vai sát cảnh cùng quân và dân chiến đấu ngoan cường bảo vệ Thủ đô.
Những cuộc tiến công liên tiếp trên các chiến trường ở miền Nam của quân và dân ta khiến lực lượng Việt Nam Cộng hòa nhiều phen run sợ. Để đáp trả, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân cực mạnh nhằm vào miền Bắc. B52 – loại máy bay chiến đấu tối tân và hiện đại nhất thế giới lúc đó mà đế quốc Mỹ vỗ ngực tự xưng là “Pháo đài bay” được huy động ném bom rải thảm vào các thành phố lớn, thị xã trên toàn miền Bắc. Mục tiêu của chúng là nhằm vào các công trình giao thông vận tải, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thủ đô đã nhận thức được nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng là phải bảo vệ an toàn, phòng cháy chữa cháy kịp thời cho các kho tàng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Phần trưng bày chiếc Mũ sắt của liệt sĩ Trần Ẩn tại Bảo tàng Công an nhân dân
Trong trận chiến đấu với kẻ thù đã có rất nhiều tấm gương chiến đấu quên mình để bảo vệ Thủ đô. Ngày 11/5/1967 một loạt bom đột ngột dội thẳng vào cầu Long Biên, đồng chí Trần Ẩn không rời vị trí quyết tâm bám chốt, bám cầu, bảo vệ an toàn cho cầu Long Biên, khi đoàn xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua cầu bị trúng đạn pháo của địch bốc cháy, đồng chí Trần Ẩn và các chiến sĩ đội Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nội đã có mặt kịp thời, dũng cảm lao lên cố gắng dập tắt đám cháy để cứu hàng hóa và vũ khí đạn dược trên xe, không để lửa lan ra các xe khác trong đoàn. Trong khi làm nhiệm vụ, đồng chí đã bị trúng đạn pháo của địch và anh dũng hy sinh.

Phần trưng bày về lực lượng Phòng cháy chữa cháy bảo vệ Thủ đô
tại Bảo tàng Công an nhân dân
Đã hơn 50 năm kể từ ngày ấy, chiếc mũ sắt in vết đạn vẫn ở đây kể tiếp cho các thế hệ hôm nay và mai sau về những người thanh niên đã dâng trọn tuổi xuân và cuộc đời mình cho Thủ đô yêu dấu.
Bảo tàng Công an nhân dân trân trọng giới thiệu với khách tham quan về kỷ vật và câu chuyện của người liệt sĩ - chiến sỹ Phòng cháy chữa cháy dũng cảm./.
(Bài và ảnh Khôi Nguyễn)