Câu chuyện hiện vật

CHUYỆN VỀ MỘT CÁN BỘ ĐIỆP BÁO VỚI NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN NƠI CHIẾN TRƯỜNG

Quá trình tổ chức sưu tầm “kỷ vật chiến trường” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân từng tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chúng tôi được gặp một cán bộ Điệp báo Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, với những kỷ niệm về cuộc đấu mưu, đọ trí với Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn năm xưa

Để chuẩn bị cho chiến cuộc Đông - Xuân (1953 - 1954) và đỉnh cáo là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động một lực lượng lớn thanh niên xung phong tham gia vụ phục vụ chiến dịch. Hòa trong không khí ấy, năm 1952 chàng thanh niên Nguyễn Hải Cát (sinh năm 1934 tại xã Yên Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) lên đường tham gia lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguyễn Hải Cát được biên chế tại Đại đội 268, Đội 36, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương với chức vụ là A Trưởng…

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đầu năm 1955, đồng chí Nguyễn Hải Cát chuyển ngành sang lực lượng Công an và được cử đi học tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân). Cuối năm 1955, kết thúc khóa học đồng chí Nguyễn Hảo Cát được điều động về làm công tác đăng ký hộ khẩu tại Sở Công an Hà Nội. Đầu năm 1956, đồng chí được điều động công tác tại Công an Cẩm Phả, thuộc Công an Khu Hồng Quảng. Cuối năm 1960, làm trinh sát mỏ than Cọc 6. Năm 1964, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổ trưởng trinh sát cảng Quảng Ninh, ty Công an Quảng Ninh.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, tất cả vì miền Nam ruột thịt, năm 1967, đồng chí Nguyễn Hải Cát xung phong lên đường chi viện chiến trường miền Nam và được phân công công tác tại Ban An ninh Tây Ninh. Tại đây, đồng chí luôn gương mẫu, nỗ lực và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Năm 1968, đồng chí Nguyễn Hải Cát được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Nội bộ, Ban An ninh Tây Ninh. Thời gian đồng chí Nguyễn Hải Cát giữ chức vụ Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ nội bộ, Ban An ninh Tây Ninh (1968 - 1975), đồng chí đã tham gia đấu tranh khám phá nhiều vụ án, trong đó tiêu biểu là hai vụ án nội gián xảy ra từ năm 1967 đến năm 1969 tại Tây Ninh. Đây cùng là những kỷ niệm khó quên nhất của đồng chí trong thời gian tại chiến trường miền Nam.

Hai vụ án này đều do tên Quang (thường gọi là Bảy Quang) tổ trưởng phụ trách nhánh điệp viên thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo tại Tây Ninh, trực tiếp cài cắm và chỉ đạo nhằm thực hiện âm mưu lâu dài của địch.

Năm 1967, tên Bảy Quang đã xây dựng một cơ sở là tên Lâm Quang Lên (tức Lâm Quang Minh), đảng viên, trưởng Trạm giao liên Bến Cầu làm nội gián. Minh là cháu vợ của tên Quang. Vợ của Quang và em gái của Minh được sử dụng làm liên lạc. Quá trình làm nội gián, tên Minh đã cung cấp nhiều tin có giá trị cho tên Bảy Quang, đặc biệt, tên Minh đã chỉ điểm cho địch đánh vào Hội nghị sơ kết công tác Đảng do Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức tại địa điểm Voi Da, huyện Bến Cầu. Do làm tốt công tác bảo vệ, nên toàn bộ cán bộ của ta đều an toàn, chỉ hi sinh một đồng chí báo vụ của Tỉnh ủy Tây Ninh. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Tiểu ban Bảo vệ Nội bộ đã báo cáo Ban An ninh Tây Ninh và lập chuyên án C3 để đấu tranh. Tháng 9 năm 1968, Ban An ninh Tây Ninh quyết định phá án, bắt tên Minh, qua điều tra hắn đã nhận mọi tội lỗi trong quá trình làm nội gián của y. Ban An ninh tỉnh Tây Ninh đã đề xuất Tỉnh ủy đưa vụ án ra xét xử giữa năm 1971 và tuyên án tử hình tên Minh.

Sau khi vụ C3 kết thúc, các chiến sĩ an ninh Tiểu ban Bảo vệ nội bộ lại phát hiện và đấu tranh phá vụ án B8: Giữa năm 1969, tên Quang móc nối với một “cơ sở” của chúng ở Tỉnh đoàn Tây Ninh, rồi đưa tên Ngô Mộng Long (Hai Long), sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn vào cơ quan Tỉnh đoàn với chiêu bài giác ngộ đi tham gia cách mạng. Sau đó tên Bảy Quang tiếp tục đưa con gái là Trần Thị Kim Hương vào để giám sát sự hoạt động của Long. Vụ án này được Tiểu ban Bảo vệ nội bộ, Ban an ninh Tây Ninh phát hiện và kịp thời đấu tranh bóc gỡ. Tháng 9 năm 1969, ta đã bắt tên Ngô Mộng Long (Hai Long) và Trần Thị Kim Hương.
 


Dao găm, đồng chí Nguyễn Hải Cát, Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ nội bộ, Ban An ninh Tây Ninh thu của đối tượng Ngô Mộng Long (Hai Long), năm 1969

Trong quá trình bắt, khai thác tên Lê Mộng Long, đồng chí Nguyễn Hải Cát  đã thu của đối tượng một con dao găm mà y luôn mang theo người…

Sau chiến thắng năm 1975, hai miền Nam Bắc thống nhất, đồng chí Nguyễn Hải Cát được điều động ra Bắc công tác tại ty Công an Quảng Ninh đến khi nghỉ chế độ. Về nghỉ hưu, đồng chí Hải Cát luôn tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương.

Cùng với những câu chuyện xúc động xung quanh cuộc chiến thầm lặng của lực lượng Điệp báo, đồng chí Nguyễn Hải Cát đã trao tặng Bảo tàng CAND kỷ vật là cong dao găm thu được đối tượng Lê Mộng Long.

 

                                    (Bài và ảnh Nguyễn Hùng Sơn)


Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569