Câu chuyện hiện vật

Sưu tập “Tranh ký họa chiến trường” của Họa sĩ Lương Mạnh Tâm

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam xum họp một nhà, dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng những kỷ niệm hào hùng về một thời hoa lửa sẽ còn được lưu giữ mãi trong ký ức của các thế hệ Việt Nam và nơi góp phần bảo vệ, tôn vinh những giá trị còn mãi ấy chính là các bảo tàng. Tại Bảo tàng Công an nhân dân có bộ sưu tập gồm khoảng 400 bức "Tranh ký họa chiến trường" của họa sĩ Lương Mạnh là một trong những sưu tập luôn chiếm được nguồn cảm xúc dạt dào của du khách.

Họa sĩ Lương Mạnh Tâm sinh năm 1937 tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Ngày 01/01/1954 đồng chí tham gia học lớp sơ cấp công an do Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Từ năm 1955 đến năm 1967 đồng chí là cán bộ Đồn số 24, Công an Khu phố Hai Bà Trưng (nay là Công an quận Hai Bà Trưng), Hà Nội. Năm 1967, đồng chí Lương Mạnh Tâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1967, đồng chí lên đường chi viện chiến trường miền Nam và được điều động về công tác tại Tiểu ban Tuyên huấn, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Với nhiệm vụ chính là làm công tác tuyên huấn, bên cạnh đó đồng chí còn tham gia xây dựng các đội trật tự xã hội, xây dựng lực lượng Công an cơ sở và phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại những địa bàn giải phóng. Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Lương Mạnh Tâm tham gia công tác tiếp quản với nhiệm vụ đăng ký trình diện đối với số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền chế độ cũ tại Sài Gòn. Tháng 01/1976, đồng chí được Bộ Công an điều động ra Bắc về công tác tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an (nay thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội). Năm 1978, đồng chí Lương Mạnh Tâm được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng phòng, năm 1985 là Trưởng phòng quản lý Cảnh sát khu vực và phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát. Năm 1995 đồng chí nghỉ hưu theo chế độ.

Trong thời gian đồng chí Lương Mạnh Tâm công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, mặc dù không được đào tạo về hội họa, nhưng trước những gương cán bộ, chiến sỹ và nhân dân anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất và trước cảnh đẹp của quê hương đất nước… đồng chí đã ghi lại cảm xúc của mình thông qua những tác phẩm hội họa. Tranh ký họa của ông như những thước phim sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là minh chứng góp phần khẳng định lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong những bức tranh ký họa của Họa sĩ Lương Mạnh Tâm luôn sáng ngời lên hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân suốt đời “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”.

Chủ đề chính trong bộ sưu tập tranh ký họa của họa sĩ Lương Mạnh Tâm thể hiện về cuộc sống chiến đâu, lao động và học tập của các chiến sĩ An ninh miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước…

Sự lãnh đạo của đảng; vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng được khắc họ rõ nét qua các tác phẩm về Chi bộ, Đoàn thanh nhiên nơi đồng chí công tác. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh gian khổ nhưng các chi bộ tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vẫn luôn gương mẫu thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng; Điều lệ Đảng luôn được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt tại các kỳ đại hội … Đoàn thanh niên luôn phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên thanh niên; tích cực tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


<Đại hội Chi bộ Tiểu ban Tuyên huấn,
Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, tháng 3/1973>

<Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam - Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, năm 1972>

Tham dự các cuộc họp họp tổng kết năm của đơn vị, người chiến sĩ - “họa sĩ chiến trường” Lương Mạnh Tâm chứng kiến tinh thần nghiêm túc trong phân tích, đánh giá tình hình công tác, chiến đấu từ đó rút ra được những điểm mạnh, yếu để phát huy và khắc phục; đồng thời, ở đó còn là những không khí của tình đồng đội, của sự đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau tiến bộ.


<Tổ Tuyên truyền thuộc Tiểu ban Tuyên huấn, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tổ chức họp tổng kết cuối năm, ngày 1/1/1974>

Những bức tranh khắc họa hình ảnh các chiến sĩ An ninh miền Nam luôn nỗ lực vượt mọi gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách được giao phó: bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng; bảo vệ tổ chức Đảng, phong trào cách mạng và quần chúng nhân dân; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phản cách mạng, do thám, tình báo, gián điệp của địch và phối hợp chống địch càn quét, lấn chiếm...


<Du kích xóm Giữa tham gia bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam
(sau khi được lực lượng Công an Đoàn 180 huấn luyện)
, năm 1970>


<Các chiến sĩ An ninh bảo vệ căn cứ Sa Mát, năm 1973>


<Đoàn 180 (An ninh vũ trang) Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đánh chiếm chi khu Đồng Xoài, Phước Long, năm 1974>


<Giao liên đưa các chiến sĩ An ninh qua sông Vàm cỏ Đông>

Trong cuộc chiến tranh gian khổ, thiếu thốn trăm bề, các chiến sĩ An ninh đã nỗ lực khắc phục để đảm bảo đời sống hàng ngày và sẵn sàng chiến đấu. Công tác xây dựng nhà ở tại căn cứ được các chiến sĩ  tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có trong rừng để làm nhà ở và làm việc. Các căn nhà đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân (lá trung quân rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và đặc biệt không bị cháy lan). Các chiến sĩ còn tự túc tăng gia sản xuất nhằm đáp ứng đủ cung cấp lương thực tại chỗ. Những người chiến sĩ An ninh không chỉ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc mà sản xuất cũng rất giỏi, mùa màng luôn bội thu.

Những bức tranh khắc họa đời sống, cảnh sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ An ninh miền Nam tại các khu căn cứ, đảm bảo hậu cần công tác.


<Các chiến sĩ Tiểu ban Hậu cần doanh trại, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đang cắt lá trung quân để lợp mái nhà, năm 1970>


<Bếp ăn của Ban An ninh Trung ương cục nhà được lợp bằng lá trung quân, năm 1970>


<Các chiến sĩ An ninh miền Nam thu hoạch đậu phộng (lạc) tại rẫy Mì Mai, khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, tháng 8/1973>


<Các chiến sĩ An ninh đang thu hoạch vụ  đậu nành tại bãi sản xuất Bầu Sa Mát, năm 1973>

< Các chiến sĩ An ninh đang tra hạt bắp (ngô) tại rẫy Mì Mai,
khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, năm 1973
>

nơi chiến trường gian khổ và ngày càng khốc liệt, người chiến sĩ đã lấy lời ca, tiếng hát làm tươi mới tâm hồn tiếp thêm nguồn lực tinh thần mạnh mẽ để chiến thắng mưa bom, bao đạn; vượt qua mọi mọi gian khổ, hy sinh. Tinh thần ấy sáng bừng trong những bức ký họa của họa sĩ Lương Mạnh Tâm. Xem bộ sưu tập tranh ấy, khách tham quan có thể cảm nhận được đời sống tinh thần phong phú, tinh thần lạc quan với khát vọng độc lập tự do, hạnh phúc của các chiến sĩ An ninh miền Nam nơi tuyến đầu cuộc chiến.


<Tiết mục văn nghệ của các chiến sĩ Đoàn 180 (An ninh vũ trang), năm 1969>


<Các chiến sĩ An ninh chiếu phim tại căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Sa Mát, Tân Biên, Tây Ninh, năm 1973>


<Hát mừng hòa bình của các chiến sĩ Đoàn 180 (An ninh vũ trang), năm 1973>

Bộ sưu tập tranh còn là những tư liệu chân thực về một thời khắc lịch sử, đánh dấu một mốc son chói lọi trong những trang sử không thể quên của dân tộc Việt Nam - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thực hiện phương châm “An ninh đi trước một bước”, lực lượng An ninh các khu, tỉnh, nhanh chóng triển khai lực lượng nắm tình hình địch chủ động tấn công, mở đường cho quân giải phóng, chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công.

Những bức ký họa quân ta giành thắng lợi liên tiếp trên khắp các chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


<Trận chiến của các chiến sĩ An ninh miền Nam trên cầu Thị Nghè, năm 1975>


<Các chiến sĩ An ninh miền Nam tiếp quản Dinh Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, năm 1975>


<Việt Nam độc lập, hòa bình, tự do>

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét về giá trị nghệ thuật và lịch sử tranh của đồng chí Lương Mạnh Tâm: “…đã phác thảo nên những gương mặt rất sinh động, có hồn, gợi cảm và mềm mại… Chính những bức tranh vẽ bằng chì có sự ma mị huyền bí kỳ lạ” và “…kịp thời ghi lại những khoảnh khắc một thời gian khó và hào hùng của đất nước. Trong chiến tranh lửa đạn, hình ảnh con người, chiến sỹ Việt Nam vẫn có đôi mắt sáng và trái tim nhân hậu, kiên nghị, quả cảm và giàu đức hy sinh đã sáng lên qua từng đường nét”…

Sưu tập tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lượng Mạnh Tâm là tư liệu lịch sử vô giá, là tư tưởng tình cảm mà người họa sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường. Bảo tàng Công an nhân dân sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc./.

 
                                                                           <Nam Phong - Bảo tàng CAND>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569