Bằng khen – Ban Giao lưu Sài Gòn Gia định tặng đồng chí Lê Văn Bé, năm 1973
1. Trận chống càn của Mỹ tại Lộc Thuận – Tây Ninh. Đầu năm 1967, Mỹ đổ quân vào Lộc Thuận gần căn cứ Khu ủy. Đồng chí Lê Văn Bé, trên cương vị là Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội bảo vệ Khu ủy, nhiệm vụ chính của Trung đội là bảo vệ vòng ngoài, đánh địch từ xa để bảo vệ an toàn Khu ủy. Quân Mỹ từ Lộc Thuận tổ chức đội hình đánh vào Phú Hòa, Trung đội bảo vệ của đồng chí Đoàn Phước Truyền nổ súng chặn đánh địch, địch đánh trả quyết liệt. Do tương quan lực lượng, địch mạnh hơn nên các đồng chí phải rút về tuyến 2 ở Phú Hòa. Địch tiếp tục truy kích đánh vào Phú Hòa. Trung đội bảo vệ lợi dụng địa hình, kiên cường bám chiến hào, chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút lui. Địch phải dùng trực thăng trở số lính chết và bị thương đồng thời chuyển toàn bộ quân về căn cứ. Trong trận này, đồng chí Lê Văn Bé đã dùng súng carbin tiêu diệt được 5 tên.
2. Trận chống càn Mahattan trên vùng đất Dầu Tiếng. Tháng 2 năm 1967, căn cứ Khu ủy chuyển về Đất Un. Địch huy động một lực lượng lớn quân Mỹ và xe tăng cắt từ Dầu Tiếng xuống Đất Un, bao vây tấn công vào căn cứ của Khu ủy. Đồng chí Lê Văn Bé cùng 03 đồng đội được phân công bám đánh địch. Các đồng chí triển khai gài mìn và bố trí trận địa phục kích địch. Khi phát hiện xe tăng địch, chờ cho chúng tiến đến cách công sự khoảng 30 mét, các đồng chí đồng loạt nổ súng, bị đánh phủ đầu, địch hoảng sợ, vừa rút lui vừa dùng phi pháo oanh kích vào trận địa. Đồng chí Lê Văn Bé chỉ huy đồng đội rút về căn cứ an toàn, kết quả trong trận này các đồng chí đã phá hủy 06 xe tăng.
3. Tham gia Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Đồng chí Lê Văn Bé, trên cương vị là Trung đội trưởng, đơn vị đồng chí được phân công phối hợp cùng một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 6 Bình Tân đánh vào mục tiêu cầu Bình Tiên và chốt giữ địa bàn. Đơn vị đồng chí hành quân từ Tân Tạo vào quận 6, khi đến Phú Định gặp một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ngụy, các đồng chí đã bắn cháy 02 xe tăng đi đầu, 01 chiếc khác lính trên xe bỏ chạy, địch hốt hoảng rút lui. Đơn vị của đồng chí Lê Văn Bé đã trụ lại 4 ngày tại địa điểm cầu Bình Tiên và nhà máy xay lúa Phú Định, chiến đấu đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững địa bàn cầu Bình Tiên, sau đó đơn vị được lệnh rút lui. Rạng sáng ngày 05 tháng 01 năm 1968, khi đơn vị đồng chí hành quân từ Bình Tiên về Tân Tạo thì gặp một đại đội ngụy, các đồng chí nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, lợi dụng địa hình, bám vào các mương, liếp, bờ ruộng chiến đấu với quân địch. Địch liên tiếp dội phi pháo, đồng thời chi viện một tiểu đoàn Mỹ tiếp ứng đổ bộ bằng trực thăng. Đơn vị đồng chí Lê Văn Bé cùng Đại đội phối hợp chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt phản công của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đêm ngày 05 tháng 01 năm 1968, các đồng chí được lệnh rút lui.
Sổ tay của đồng chí Lê Văn Bé – sử dụng trong những năm kháng chiến
4. Trận đánh 02 Tiểu đoàn ngụy tại Hiệp Đức bảo vệ Khu ủy. Tháng 8 năm 1969, Khu ủy về đóng tại Ấp 2, Cẩm Sơn (Cai Lậy, Mỹ Tho). Địch phát hiện căn cứ Khu ủy, tháng 10 năm 1969, chúng đã huy động một Tiểu đoàn ngụy đổ quân xuống Hiệp Đức và một Tiểu đoàn khác đổ quân xuống ấp 2 Cẩm Sơn, tạo thành gọng kìm nhằm đánh vào căn cứ của Khu ủy. Pháo địch từ Cai Lậy – Cái Bè bắn vào căn cứ của Khu ủy để dọn đường. Đồng chí Lê Văn Bé cùng Trung đội bảo vệ và một Trung đội cận vệ Khu ủy đã chặn đánh địch, đánh bật nhiều đợt tấn công của địch. Địch dùng máy bay và pháo bắn phá ác liệt suốt từ sáng đến chiều, sau mỗi đợt phi pháo địch lại tiến vào, nhưng đều bị các đồng chí chặn đánh phải lùi lại phía sau. Sau hàng chục đợt tấn công bị thất bại và thương vong nặng nề, đến chiều tối quân địch phải rút lui. Toàn bộ cán bộ Khu ủy đã được bảo vệ an toàn và di chuyển đến địa điểm khác ngay trong đêm hôm đó.
5. Trận chống càn tại Mỏ Cày, Bến Tre tháng 4 năm 1970. Trong chiến công này, Trung đội của đồng chí Lê Văn Bé được giao nhiệm vụ đi xây dựng căn cứ cho Khu ủy tại ấp 1, Hưng Khánh Trung. 7 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1970, pháo từ Mỏ Cày bắn tới tấp vào căn cứ, đồng chí chúng còn huy động nhiều đợt máy bay đánh bom dọn bãi. Đến 9 giờ địch đổ 1 Tiểu đoàn ngụy đách vào căn cứ. Đồng chí Bé chỉ huy Trung đội bảo vệ Khu ủy chặn đánh địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Đến trưa địch tiếp tục bắn pháo, dội bom rồi đổ thêm 2 Tiểu đoàn nữa, chia làm 3 mũi đánh vào địa hình ta. Đến khoảng 2 giờ chiều, một quả pháo rơi đúng vào công sự làm đồng chí và hai đồng đội bị thương nặng: đồng chí Bé bị thương ở cánh tay trái, đồng chí Phú bị thương ở mắt, đồng chí Hoa – y tá bị thương ở đùi. Các đồng chí được điều ra khỏi trận địa và được chuyển về tuyến sau điều trị. Bốn đồng chí ở lại trận địa tiếp tục chiến đấu kìm chân địch. Cả bốn đồng chí chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Khi được chuyển về tuyến sau, đồng chí Lê Văn Bé được Quân y Bến Tre cấp cứu và phải cắt cụt tay trái, sau đó đưa về điều trị tại Dân y Quân khu 6.
6. Bảo vệ căn cứ Khu ủy: Tháng 6 năm 1970, địch đổ 1 Tiểu đoàn tại Ba Giác, nhằm đánh vào căn cứ đóng quân của Khu ủy tại Ấp 1 và Ấp 4 Tân Phú. Ngày đầu, chúng đóng quân ở Ba Giác, sáng hôm sau, chúng đánh xuống cầu Ông Tạo, Ấp 2, Tân Phú. Đồng chí Lê Văn Bé và Trung đội bảo vệ Khu ủy bám địa hình, đánh bật nhiều đợt tiến công của địch. Địch tiếp tục đổ thêm 2 Tiểu đoàn để chi viện, mặc dù bị thương mất một cánh tay trong trận càn trước đó, đồng chí Bé vẫn bình tĩnh dùng súng K54 cùng đồng đội chiến đấu, đánh bật nhiều đợt tiến công của địch, có lúc chỉ cách địch khoảng 10 mét. Riêng đồng chí tiêu diệt được 6 tên địch và cùng đồng đội tiêu diệt khoảng một Đại đội địch, góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Khu ủy.
Ủy Ban nhân dân cách mạng thành phố Sài Gòn – Gia Định tặng thưởng
Huân chương Quyết thắng Hạng Ba cho đồng chí Lê Văn Bé, năm 1973
7. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí được giao nhiệm vụ dẫn đường. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí cùng 7 đồng đội dẫn đường cho Ban giao bưu T4 từ Củ Chi vào Sài Gòn. Sau đó, các đồng chí tham gia tiếp quản tòa hành chính Gia Định, bưu điện Gia Định và khu cầu đường Gia Định. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Văn Bé công tác tại Bưu điện quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh…
Mặc dù là thương binh, đồng chí Lê Văn Bé luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành bưu điện nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Với những thành tích đã đạt được, đồng chí Lê Văn Bé đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng như Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Đặc biệt, ngày 22 tháng 7 năm 1998, đồng chí Lê Văn Bé vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 341/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.
(Bài và ảnh Nguyễn Hùng Sơn)