Hiện vật kể chuyện
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Những dấu ấn lịch sử vẻ vang
Là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận chống “giặc lửa”, từ khi thành lập đến nay, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã từng bước lớn mạnh, trưởng thành, không quản hi sinh gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, huy động sức mạnh của toàn dân trong phòng chống cháy, nổ, cứu chữa nhiều vụ cháy lớn, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Cùng với cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, những tổ chức cứu hỏa đầu tiên được hình thành. Những người lính Sở Chữa lửa Sài Gòn đã tham gia khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, một số chiến sĩ không quản hiểm nguy, leo lên hạ cờ địch, đưa lá cờ cách mạng tung bay trên đài quan sát, trong đó có ba chiến sĩ hi sinh, một chiến sĩ bị thương.
Năm 1958, Bộ Công an có Quyết định thành lập Phòng phòng cháy, chữa cháy thuộc Vụ Trị an dân cảnh của Bộ Công an. Thực hiện Nghị định số 130-CP của Chính phủ, ngày 29/9/1961, Bộ Nội vụ ký Quyết định thành lập Cục PCCC gồm 03 Phòng; 01 Trạm thí nghiệm và tổ văn thư, quân số có 29 người trên cơ sở toàn bộ cán bộ Phòng Phòng hỏa, cứu hỏa Cục Cảnh sát nhân dân. Đến ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 53/ LCT của Chủ tịch nước công bố “Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC”. Cũng từ sự kiện này, ngày 04/10 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, lực lượng PCCC làm nòng cốt trong phong trào ba phòng: “phòng gian, phong gián, phòng hỏa”; kiểm tra an toàn PCCC các nhà máy, xí nghiệp..., nghiên cứu đề xuất ban hành tiêu chuẩn PCCC trong thiết kế xây dựng; hướng dẫn việc sơ tán, phân tán tài sản, vật tư chiến lược; đặc biệt đã phối hợp với lực lượng dân phòng chiến đấu kịp thời cứu hàng ngàn vụ cháy lớn, như: Chữa cháy trận địa tên lửa Đồng Giao; chữa cháy xà lan chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long; chữa cháy thị xã Đồng Hới, Quảng Bình…
.jpg)
<Đội Cảnh sát PCCC Sở Công an Hải Phòng chữa cháy, cứu người và tài sản trong đợt máy bay Mỹ ném bom đánh phá thành phố Hải Phòng, năm 1966; Ảnh: Bảo tàng CAND>
Ngày 29/6/1966, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an thành phố Hà Nội cứu cháy thành công kho xăng Đức Giang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, trong đó 4 điều dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC đến tận hôm nay.
<Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an thành phố Hà Nội chữa cháy kho xăng Đức Giang, năm 1966; Ảnh: Bảo tàng CAND>
<Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đội Cảnh sát PCCC Công an thành phố Hà Nội ngày 03/8/1966 khen ngợi thành tích cứu cháy kho xăng Đức Giang (Hiện vật của Bảo tàng CAND)>
Ở miền Nam, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí gây cháy phục vụ việc đánh phá kho tàng, hậu cứ của địch; theo sát quân chủ lực trọng Tổng tiến công năm 1975, nhanh chóng tiếp quản những đô thị mới được giải phóng và triển khai kịp thời các biện pháp PCCC, góp phần ổn định an ninh trật tự.
Bước sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH không quản ngại gian khổ, hi sinh, thực hiện tốt chức năng quản lý của Nhà nước về PCCC, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, đồng thời dũng cảm chiến đấu dập tắt hàng trăm nghìn vụ cháy, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân trong vụ cháy chung cư mini, số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, ngày 12/9/2023; Ảnh: M. Loan>
Những cống hiến, đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần mạnh mẽ để mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong công tác và chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
<Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (04/10/1961 - 04/10/2021); Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH>
Trên tuyến đầu chống giặc lửa, nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh anh dũng, trở thành những tượng đài bất tử về tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, được Nhân dân cảm phục, tin yêu. Những cống hiến cao cả, quên mình của các anh đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
<Kỷ vật của Liệt sĩ Đặng Anh Quân, liệt sĩ Đỗ Đức Việt và liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc hi sinh trong vụ chữa cháy quán karaoke ISIS, 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 01/8/2022 (Hiện vật của Bảo tàng Công an nhân dân); Ảnh: Đỗ Hà>
Máu, mồ hôi và nước mắt của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH cùng những thương vong trong hỏa hoạn cũng trở thành nỗi trăn trở, day dứt của toàn xã hội về cuộc chiến khốc liệt với “giặc lửa”, một mối hiểm họa quen thuộc nhưng vẫn không ngừng gieo rắc những đau thương, mất mát.
Ngày 01/01/1955, trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần thăm hỏi các chiến sĩ Đội Cứu hỏa tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp!”. Lời chúc của Người vừa là lời động viên, vừa là nhiệm vụ Bác tin tưởng giao cho các chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Đó còn là lời nhắc nhở không chỉ với các chiến sĩ mà với mọi người dân, rằng “phòng cháy hơn chữa cháy”, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn chủ động, sẵn sàng, bởi hỏa hoạn là mối nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Bên cạnh việc chăm lo xây dựng lực lượng PCCC&CNCH ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, luôn chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, việc bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, đặc biệt là xây dựng, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được lực lượng PCCC&CNCH triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên.
.jpg)
<Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH>
Ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới cho đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã không ngừng đổi mới phương pháp, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị nghiệp vụ của ngành văn hoá thông tin tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC mang lại hiệu quả cao.
Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 369/TTg lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày PCCC toàn dân”; sau đó quy định tại Điều 11, Luật PCCC năm 2001 lấy ngày 04/10 hằng năm là Ngày Phòng cháy, chữa cháy toàn dân.
<Quyết định số 369-TTg ngày 04/6/1966 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 04/10 hàng năm là Ngày Phòng cháy, chữa cháy toàn dân; Nguồn: vanbanphapluat.co>
Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân trong hỏa hoạn, đuối nước tại Triển lãm ”Cảnh sát Việt Nam, mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”, tháng 7/2022; Ảnh: Thu Trà>
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC theo quy định của Luật, trên cơ sở đó để có biện pháp quản lý, kiểm tra, hướng dẫn sát với thực tế và phù hợp với loại hình, tính chất hoạt động của cơ sở.
<Khối doanh nghiệp tham gia diễn tập phương án PCCC&CNCH tại thành phố Đà Nẵng, năm 2019; Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH>
Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, dù cuộc chiến với giặc lửa còn nhiều gian nan, phức tạp, bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần chiến đấu quên mình của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, ý thức tự giác tuân thủ quy định của pháp luật, tự trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn về PCCC của mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... sẽ trở thành vũ khí quan trọng đẩy lùi hiểm họa giặc lửa, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững mạnh./.
<Bài: Thu Trà, Bảo tàng Công an nhân dân>