Hiện vật kể chuyện

Vụ án phố Ôn Như Hầu - dấu son lịch sử - Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân

         Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, cũng là thời điểm các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân (CAND) hình thành: ở Bắc Bộ, thành lập Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ có Sở Trinh sát và ở Nam Bộ là Quốc gia tự vệ cuộc. Mặc dù tên gọi có sự khác nhau, song các tổ chức này có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
         Lúc này, vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, các thế lực thù trong giặc ngoài tìm mọi cách chống phá chính quyền cách mạng: từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, gần 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng (quân Tưởng Giới Thạch) lấy danh nghĩa là giải giáp quân Nhật nhưng âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, mang theo lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đảng cấu kết chống phá chính quyền cách mạng; từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, nhưng lại âm mưu giúp đỡ Pháp, tạo điều kiện cho quân Pháp quay lại xâm lược miền Nam; trên cả nước ta có khoảng 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, một bộ phận quân Nhật đã có tình gây ra nhiều tội ác cho nhân dân ta...
         Tháng 6/1946, quân Tưởng rút về nước, bọn phản động tay sai bị phân hóa, một số chạy theo quân Tưởng sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho thực dân Pháp, tiếp tục con đường bán nước, hại dân. Các lực lượng này tập hợp thống nhất với nhau lập ra Quốc dân Đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh làm “Đảng trưởng”, Trương Tử Anh làm “Ủy viên thường vụ”, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Khải Hoàn là ủy viên Trung ương; chúng tổ chức lực lượng vũ trang, ráo riết hoạt động phá hoại cách mạng với mục tiêu tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời.
         Từ cuối tháng 6/1946, Nha Công an Trung ương nhận được nguồn tin của cơ sở phát hiện thực dân Pháp âm mưu cấu kết với Quốc dân Đảng đang ráo riết chuẩn bị thực hiện đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Vấn đề quan trọng đặt ra đối với lực lượng Công an là phải có được chứng cứ để đấu tranh, triệt phá. Đêm 11/7/1946, Nha Công an tiến hành họp đi đến quyết định: bí mật, bất ngờ tập kích các trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) và số 132 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân). Chỉ đạo trực tiếp lực lượng Công an phá vụ án này là các đồng chí Lê Giản (Giám đốc Nha Công an Trung ương), Nguyễn Tuấn Thức (Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ), Nguyễn Tạo (Trưởng Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương), Lê Hữu Qua (Trưởng Ban Trinh sát, Sở Công an Bắc Bộ).


         Một số trụ sở hoạt động của Quốc dân Đảng tại Hà Nội thời điểm năm 1946

 
Nhà số 132 phố Duvigneau

Nhà số 80, phố Quán Thánh
 
Nhà số 7, phố Ôn Như Hầu
 
         Đúng 2 giờ 30 phút ngày 12/7/1946, một Tiểu đội Trinh sát và Công an xung phong bí mật, bất ngờ đột nhập vào trụ sở số 132 phố Duvigneau, bắt toàn bộ bọn phản động ở đây, thu giữ các tài liệu phản động như: truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, thông cáo… Đặc biệt, ta thu được “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” do Trương Tử Anh viết tay, theo kế hoạch này đến ngày 14/7/1946, quân Pháp diễu binh qua Bắc Bộ phủ, lực lượng Quốc dân Đảng sẽ ném lựu đạn vào đám lính da đen, lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa không giữ được an ninh trật tự, chống lại quân đồng minh trong khi diễu binh, Pháp điều quân vào Bắc bộ phủ bắt toàn bộ Chính phủ ta, tuyên bố đảo chính lập chính phủ bù nhìn Quốc dân Đảng thay thế. Tại Pháp, phái đoàn chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ bị bắt…
 
Kế hoạch đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng của tổ chức phản động Quốc dân Đảng, năm 1946
 
Đội trinh sát đặc biệt, Sở Công an Bắc Bộ tham gia khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu, ngày 12/7/1946
 
Mệnh lệnh sự vụ, Sở Công an Bắc Bộ điều động Đội Trinh sát đặc biệt đến số 7 phố Ôn Như Hầu bắt các đối tượng phản động Quốc dân Đảng, năm 1946
 
         Với bằng chứng rõ ràng, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ban hành lệnh tổng trấn áp Quốc dân Đảng trên toàn địa bàn Hà Nội. Khoảng 7 giờ sáng, ngày 12/7/1946, Đội trinh sát đặc biệt do Đội trưởng Trần Tấn Nghĩa chỉ huy đến trụ sở của Việt Nam Quốc dân đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu mang theo Mệnh lệnh sự vụ (do đồng chí Lê Hữu Qua ký) thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét những người có mặt tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu với tội danh tống tiền, bắt cóc người; lực lượng Công an xung phong và tự vệ chiến đấu phối hợp bao vây trụ sở. Bằng sự thông minh, nhanh trí, đồng chí Trần Tấn Nghĩa (sau 3 lần quay lại trụ sở số 7 Ôn Như Hầu) đã khống chế được Phan Kích Nam, Trung ương ủy viên Quốc dân đảng phản động, chỉ huy tại số 7 Ôn Như Hầu và bắt toàn bộ lực lượng Quốc dân Đảng tại đây đưa về Sở Công an Bắc Bộ. Khám xét tại số 7 Ôn Như Hầu, lực lượng Công an thu được 8 súng ngắn, 5 súng trường và 1 trung liên Nhật, dụng cụ tra tấn, thuốc mê…, đặc biệt, ta phát hiện, đào được 6 xác người chôn tại vườn chuối sau nhà. Tiếp sau đó, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang và Nhân dân đồng loạt tấn công bóc gỡ 41 trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân Đảng; bắt gần 300 tên phản động; thu toàn bộ phương tiện, tài liệu phản cách mạng (máy in tipo; truyền đơn, khẩu hiệu, tài liệu chống Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiền giả; vũ khí...); cùng với Hà Nội, Công an nhiều địa phương trong cả nước tiến hành truy quét bọn phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và đối tượng phản động. Kết quả, âm mưu đảo chính phản cách mạng của Quốc dân Đảng đã bị triệt phá hoàn toàn trong vòng 48 giờ. Chiến công này đã đánh đòn quyết định làm tan rã lực lượng của một đảng phản động nhất lúc bấy giờ, phá tan thế liên kết giữa thế lực nội phản với giặc ngoại xâm; góp phần giữ vững chính quyền cách mạng trước muôn vàn khó khăn, thử thách đồng thời thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh của lực lượng phá án; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và vai trò, vị trí của lực lượng An ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
 
Một số đối tượng cầm đầu tổ chức Quốc dân đảng, năm 1946
 
         Vụ án phố Ôn Như Hầu giành thắng lợi là chiến công oanh liệt đầu tiên có quy mô toàn quốc trong sự nghiệp đấu tranh chống phản cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá về vụ án này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài… Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh quốc gia dân tộc… Mấy cuộc khám bắt gần đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân. Các báo hoan nghênh Chính phủ và công chúng tán thưởng việc làm của Ty Công an, đã tỏ rằng đồng bào ta đã có ý thức về chính trị…” (Trường Chinh: “Nhân mấy vụ xét bắt mới đây”, Báo Sự thật, số 45, ngày 19/7/1946).
         Chiến công vụ án phố Ôn Như Hầu đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trên bước đường xây dựng, chiến đấu trưởng thành của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam và thể hiện sức mạnh của chính quyền cách mạng non trẻ, trở thành mốc son chói lọi của lực lượng lượng An ninh nhân dân. Với ý nghĩa đó ngày 24/5/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) công nhận "Ngày 12/7/1946 là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân".
         Trải qua 77 năm xây dựng, phát triển, mặc dù trải qua các giai đoạn lịch sử với tổ chức, bộ máy, tên gọi khác nhau, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ của lực lượng An ninh nhân dân không thay đổi; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ An ninh luôn nỗ lực phấn đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Lực lượng An ninh nhân dân đã khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia; phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, từng bước góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại./.
            
<Bài: Đỗ Hà, ảnh: Bảo tàng CAND>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569