Di tích công an nhân dân

Khu di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam

- Địa chỉ: ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
- Thời gian mở cửa: Từ 8h00’ - 17h00’ tất cả các ngày trong tuần; số điện thoại liên hệ:  098 793 9372

 
      Cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 60km, Khu di tích nằm trong quần thể rừng nhiệt đới sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách cửa khẩu Sa Mát 2km, cách di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam 15km. Nơi đây là địa điểm đóng quân của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1973 - 1975.

 
 
      Đầu năm 1960, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào đấu tranh nổi dậy nổ ra ở nhiều nơi trên khắp miền Nam và đỉnh điểm là “đồng khởi” ở Bến Tre, Trà Bồng (Quảng Ngãi) và trận “nội công ngoại kích” vào căn cứ quân sự Tua Hai của địch ở Tây Ninh giành thắng lợi là những bằng chứng khẳng định tinh thần quật khởi của quân dân miền Nam. Trước sức đấu tranh nổi dậy của quần chúng kẻ địch vô cùng hoang mang lo sợ; chính quyền Ngô Đình Diệm đã ban bố “tình trạng khẩn cấp” và thẳng tay đàn áp quần chúng đấu tranh. Yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là công tác bảo vệ Đảng, lực lượng cách mạng, bảo vệ quần chúng nhân dân, và trước tình hình đó tháng 7/1960, Xứ uỷ Nam Bộ chỉ đạo thành lập ban bảo vệ an ninh ở các cấp; khẳng định, đã đến lúc cần phải có một tổ chức chuyên trách đi sâu điều tra nghiên cứu giúp Đảng nắm chắc tình hình để tổ chức việc tấn công địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng

      Ban Bảo vệ an ninh Xứ uỷ được thành lập với mật hiệu là C93B. Cùng với Ban Bảo vệ an ninh Xứ uỷ, Ban Bảo vệ an ninh các cấp khu, tỉnh và huyện ở các địa phương cũng được thành lập. Cho đến cuối năm 1962, hệ thống tổ chức và lực lượng An ninh ở miền Nam đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, nhiều nơi hình thành đến cấp xã. Từ đây công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân đã có một lực lượng chuyên trách, làm nòng cốt, xung kích góp phần đưa phong trào cách mạng miền Nam vững vàng trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo.

      Qua 15 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành (1960 - 1975), Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy - Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục miền Nam - Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã 8 lần phải di chuyển địa điểm đóng quân nhằm đảm bảo vai trò bảo vệ và tham mưu, chỉ đạo công tác an ninh toàn miền Nam. Ở mỗi địa điểm đóng quân, việc bố phòng, chống xâm nhập luôn được tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo vệ an toàn cho Thường vụ và các cơ quan ban ngành của Trung ương Cục miền Nam. Mỗi lần di chuyển cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục đều phải tập trung cao độ, dốc sức lo việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan đơn vị Trung ương Cục, đồng thời luôn là lực lượng đi tiên phong trong việc tổ chức xây dựng, bố phòng, bảo vệ tại các địa điểm mới:

- Tháng 7/1960, khi mới thành lập Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy đóng quân ở Chàng Riệc (nay thuộc địa phận hai xã Tân Lập và Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
- Năm 1961, chuyển đến Mã Đà  - Chiến khu Đ (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
- Năm 1962 - 1963, chuyển về khu vực cầu “bảy nhịp” gần sông Vàm Cỏ Đông (nay thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
- Cuối năm 1963 - 1968 căn cứ đóng tại khu rừng cạnh trảng Tà Xia (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
- Năm 1969 đóng tại Đập Đá - bàu Lùng Tung (gần cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
- Tháng 01 - 5/1970 đóng tại khu rừng cạnh trảng Tà Đạt (nay thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
-  Tháng 6/1970 - cuối 1972 đóng tại khu rừng thuộc phum Cơm - Prớ (huyện Đầm Be, tỉnh Kompong Chàm, Campuchia).
- Năm 1973 - 1975 đóng tại trảng Bảy Bàu (nay là ấp Tân Tiến, xã Tân Lập) và các tiểu ban đóng tại các địa điểm thuộc các xã: Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Bình, Thạnh Tây huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

 

<Đại hội mừng công của các Tiểu ban Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, tháng 12/1968>

      Ngày 27/01/1973 Hiệp định Paris được ký kết. Cùng với các các cơ quan Trung ương Cục, Ban An ninh được lệnh dời chuyển về Tây Ninh - các khu vực đóng quân chủ yếu thuộc huyện Tân Biên. Tại đây, ngoài căn cứ cơ quan lãnh đạo Ban An ninh đóng tại khu vực Bảy Bàu (xã Tân Lập), các tiểu ban trực thuộc hầu hết đóng quân trên địa bàn các xã lân cận thuộc huyện Tân Biên.

 
<Triển lãm của Đoàn thanh niên Ban An ninh Trung ương Cục nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn - 26/3/1974>
 
      Đây cũng chính là địa điểm đóng quân cuối cùng của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, trước khi về tiếp quản Sài Gòn.


<Đoàn xe của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam trên đường

 về tiếp quản Sài Gòn>
 
          ------------------

 
      Để ghi nhớ và tôn vinh cống hiến của lực lượng An ninh miền Nam và An ninh Trung ương Cục, từ đầu những năm 1990, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1973 - 1975. Ngày 01/12/1995 Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được công nhận, xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 3777/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

      Sau khi được xếp hạng, Di tích được Bộ Công an đầu tư phục hồi và xây dựng tôn tạo phát huy giá trị - trở thành quần thể Khu di tích. Từ năm 1996 - 2010, Khu di tích đã trải qua các giai đoạn phục hồi, trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục công trình trên tổng diện tích 56,71 hecta.

      Hiện nay, Khu di tích có các hạng mục được phục hồi, gồm: nhà làm việc các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục; hội trường; văn phòng; ban nghiên cứu tổng hợp; nhà bảo vệ; hầm chữ A; hệ thống giao thông hào; bếp Hoàng Cầm... thuộc khu vực I (bảo tồn nguyên trạng).

 

<
Hội trường Ban An ninh Trung ương Cục>
 

<Giếng nước>
 
      Các hạng mục xây dựng tôn tạo gồm: Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc; đài tưởng niệm và bia ghi danh liệt sĩ CAND; Bảo tàng CAND tại Khu di tích; Tượng đài và Phòng trưng bày lưu niệm đồng chí Phạm Hùng; các đài tưởng niệm, bia ghi công của Công an các đơn vị, tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau)

      Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc tại đây được thiết kế và xây dựng theo mẫu tượng đài tại Khu di tích Nha Công an Trung ương (Tuyên Quang); Phía sau tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc là phù điêu “65 năm CAND chiến đấu, xây dựng và trưởng thành”  được làm bằng chất liệu đá granit đỏ; mặt sau phù điêu ghi danh hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND Việt Nam đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và vì bình yên hạnh phúc của Nhân dân.

 

<Đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc
tại Khu di tích, ngày 28/4/2010>

 
      Bảo tàng CAND tại Khu di tích có diện tích trưng bày khoảng 300m2, nội dung trưng bày thể hiện quá trình hình thành, phát triển của lực lượng CAND; trọng tâm giới thiệu về Ban An ninh Trung ương Cục và lực lượng An ninh miền Nam, với những thành tựu và cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  

 
      Nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Phạm Hùng có diện tích khoảng 50m2, trưng bày gần 100 tài liệu hiện vật tiêu biểu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Phạm Hùng; đặc biệt là đóng góp của đồng chí đối với phong trào học tập thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.
 
 

      Hệ thống các đài tưởng niệm, bia ghi công của Công an các đơn vị, tỉnh thành phía Nam có tổng cộng có 47 đài tưởng niệm, bia ghi công là một quần thể kiến trúc phong phú, đa dạng, vừa mang tính chiến đấu, tính lịch sử, đồng thời có nhiều nét văn hóa đặc trưng các vùng miền, tất cả đều nhằm tôn vinh những cống hiến của lực lượng CAND các đơn vị, địa phương trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự.
 

<Công trình tưởng niệm của Công an tỉnh Đồng Nai tại Khu di tích>
 
      Các công hạng mục phục vụ hoạt động quản lý và tổ chức phát huy giá trị có: quảng trường; nhà khách; hồ nước; vường hoa, cây xanh và hạ tâng giao thông, kỹ thuật…

 

<Đường nội bộ trong Khu di tích>
 
      Từ sau khi được đưa vào khai thác, Khu di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục đã trở thành một địa điểm quan trọng phục vụ phục vụ tuyên truyền giáo dục và tham quan trải nghiệm. Yếu tố nằm ở vị trí cạnh đường lộ 792 - trong hành trình du lịch trở về “chiến khu xưa” - các căn cứ cách mạng khu vực Bắc Tây Ninh cũng đã tạo điều kiện cho di tích ngày càng thu hút nhiều khách tham quan.


 
<BBT - Baotangcand.vn>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569