Khu di tích lịch sử Công an nhân dân

Khu di tích lịch sử Công an nhân dân

- Địa chỉ: thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
- Thời gian mở: từ 8h00’ - 17h00’ tất cả các ngày trong tuần; Số điện thoại liên hệ: 0273 830 236; 0974 256 256

 
       Khu di tích lịch sử Công an nhân dân còn gọi khác là Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương. Đay là địa điểm dóng quân của Nha Công an Trung ương từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950.

 

       Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân cũng là lúc CAND Việt Nam ra đời. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng (ngày 19/8), ở Trung bộ thành lập Sở Trinh sát (ngày 23/8) và ở Nam bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (ngày 25/8). Tuy tên gọi các tổ chức đó khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

       Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Liêm phóng, Cảnh sát và Quốc gia Tự vệ cuộc thành Việt Nam Công an vụ. Đồng chí Lê Giản được cử giữ chức Giám đốc Việt Nam Công an vụ. Ngày 18/04/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 121-NV/NĐ quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Việt Nam Công an vụ. Đây là những mốc lịch sử đầu tiên trên chặng đường sự hình thành và phát triển của lực lượng CAND Việt Nam, trong đó có Nha Công an Trung ương.

       Ngày 19/12/1946, Hà Nội nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Cùng với các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, Nha Công an Trung ương chuyển về căn cứ kháng chiến. Hành trình di chuyển từ Thủ đô, qua Phú Thọ và điểm đóng quân được lựa chọn là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ tháng 4/1947. Minh Thanh nằm ở Đông - Bắc huyện Sơn Dương, lọt giữa vùng căn cứ địa cách mạng, địa thế hiểm yếu, tiện đường giao thông, đảm bảo an toàn bí mật; đặc biệt, Nhân dân các dân tộc trong vùng một lòng đi theo cách mạng. Vì thế, Minh Thanh có vị trí hết sức quan trọng trong khu căn cứ cách mạng Tân Trào - nơi được chọn làm nơi ở và làm việc của nhiều cơ quan đầu não Trung ương Đảng và Chính phủ. Và cũng vì vậy, địa điểm Nha Công an Trung ương tại đây, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai nhiệm vụ và góp phần bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu căn cứ cách mạng...

       Khi Nha Công an Trung ương chuyển đến xã Minh Thanh, lúc đầu vì chưa có nơi ở nên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và nhân viên của Nha đến ở nhờ nhà dân trong các thôn. Đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha ở nhờ một gia đình người dân tộc Tày, thôn Lũng Cò. Địa điểm được chọn xây dựng “trụ sở” là 2 ngọn đồi cây cối xanh tốt, rậm rạp ở gần cánh đồng Lũng Cò; Nhân dân quen gọi là Gò Cây đen và Gò Chè, khi Nha Công an chuyển đến, để tiện lợi, cán bộ, chiến sĩ gọi là đồi A và đồi B. Để đảm bảo bí mật, Nha Công an Trung ương có tên gọi là “Nhà anh Cả Nhã” và trong hệ thống giao thông liên lạc toàn ngành được gọi là “Việt Yên”.

       Là nơi đóng quân đầu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp, Minh Thanh là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa to lớn; là nơi Nha Công an Trung ương có những văn kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND. Trong suốt thời kỳ tại đây, cán bộ, chiến sĩ Nha Công an Trung ương luôn xác định rõ tinh thần trường kỳ kháng chiến; xây dựng tổ chức, bố trí lực lượng và chỉnh đốn công tác phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng; Nha Công an Trung ương đã tổ chức chỉ đạo tiễu phỉ trừ gian, xây dựng cơ sở nắm tình hình địch, kiểm soát nội bộ, lập Đội trừ gian, Đội Công an xung phong… Tại vùng căn cứ địa, lực lượng Công an thực hiện tốt việc rà soát đối tượng phức tạp, làm trong sạch địa bàn, chống các hoạt động do thám của địch, phát động Nhân dân thực hiện phong trào “Phòng gian bảo mật”, khẩu hiệu “Ba không”… đặt các trạm, đồn tại các khu vực trọng yếu, giữ gìn trật tự xã hội vùng hậu phương. Đặc biệt, Nha Công an Trung ương đã tổ chức chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ…

       Ngày 21/02/1948, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL, tại căn cứ Đồng Đon Nội san “Rèn luyện” (sau này được xác định là tiền thân Báo CAND ngày nay) đã ra đời.

       Tháng 6/1949, tại đây đã diên ra Hội nghị Điều tra toàn quốc lần thứ nhất với hàng trăm đại biểu tham dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng ba giải thưởng cho người báo cáo hay nhất, người thuyết trình hay nhất và người phát biểu hay nhất Hội nghị. Cùng thời điểm này, Nha Công an Trung ương đã tổ chức bốn lớp đào tạo Công an hệ trung cấp cho học viên từ Trung Bộ trở ra. Ngày 19/11/1949, Nha Công an Trung ương ra Chỉ thị số 1605-CT về việc sưu tầm và khai thác tài liệu của các cơ quan do thám địch nhằm xác định, thống nhất các loại tài liệu của địch cần thu thập. Ngày 18/10/1950 của Nha Công an Trung ương ra Chỉ thị số 3371-CT về việc “Sưu tầm, tài liệu, hiện vật phá tề trừ gian, thực hiện CAND”. Đến cuối năm 1949, Nha Công an Trung ương quyết định thành lập Đại đội vũ trang chiến đấu với tên gọi là “Đại đội Độc Lập” hay còn gọi là “Đại đội Hoàng Hữu Nam” để phối hợp với các đơn vị bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ tại Chiến khu Việt Bắc..


<Lực lượng Công an bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác tại Đèo Khế (Thái Nguyên), tháng 10/1947>

       Từ ngày 8 - 15/01/1950 Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 đã được tổ chức tại Nha Công an Trung ương. Đây là Hội nghị đầu tiên quy tụ đại biểu Công an cả nước. Hội nghị đã thông qua các đề án quan trọng, đặt nền móng về lý luận, nghiệp vụ cho công tác Công an, trong đó đặc biệt là “Đề án CAND”, đã xác định CAND Việt Nam có 3 tính chất: dân tộc, dân chủ và khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi cho Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 và Bác đã tặng tấm ảnh chân dung của Người để làm giải thưởng thi đua cho những đơn vị lập thành tích xuất sắc nhất. Hội nghị đã nhất trí “bầu” Công an tỉnh Thừa Thiên là đơn vị có nhiều thành tích nhất trong phong trào “Rèn cán, lập công” vinh dự được nhận phần thưởng của Bác.
 

<Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hội nghị Công an toàn quốc, tháng 01/1950>
 
       Đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới, đồng thời, để đảm bảo an toàn, bí mật, tháng 9/1950 Nha Công an Trung ương đã chuyển đến địa điểm mới tại xã Yên Nguyên và xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Khi cơ quan chuyển đi bộ phận nhà in Nội san Rèn luyện do máy móc cồng kềnh nên ở lại Minh Thanh một thời gian sau mới di chuyển…

       Trong thời gian hơn ba năm tại Minh Thanh, Nha Công an Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND cả nước hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giáo phó, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành tại Chiến khu Việt Bắc. Những thành tựu rực rỡ đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; cùng quân và dân cả nước vượt mọi gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
--------
       Nhằm tri ân những cống hiến đóng góp các thế hệ cha anh và giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa CAND, từ đầu những năm 1990, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo khảo sát xác định địa điểm, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng và quyết định đầu tư phục hồi, tôn tạo di tích Nha Công an Trung ương tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 02/8/1999 Di tích Nha Công an Trung ương được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
 
         
       Quá trình khôi phục, tôn tạo Khu di tích đã trải qua các giai đoạn:

* Giai đoạn 1999 - 2000:
       Ngày 14/8/1999 các công trình được khởi công và ngày 15/8/2000, kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, Khu di tích được khánh thành. Các điểm di tích gốc gắn liền với Nha Công an Trung ương thời kỳ 1947 - 1950 được phục hồi: Hội trường; Văn phòng; Ty Chính trị; Ty Tuyên - Nghiên - Huấn; Ty Trật tự - Tư pháp; Ty Tình báo; Nhà in báo; Nhà hậu cần; Nhà đồng chí Giám đốc...

 

<Hội trường Nha Công an Trung ương>
 

<Văn phòng Nha Công an Trung ương>
 
       Hạng mục được quy hoạch và tôn tạo gồm có sân bay Lũng Cò; quảng trường (lấy tên là Quảng trường 19/8); nhà trưng bày bổ sung di tích và khu nhà ở, làm việc của cán bộ, chiến sĩ Ban Quản lý; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông...

 

<Cánh đồng Lũng Cò - năm 1945 được sử dụng làm sân bay>
 
* Giai đoạn 2004 - 2005:
       Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2005), Khu di tích được tu bổ, tôn tạo Khu di tích với diện tích gần 12 ha. Các điểm di tích được tu sửa thay thế chất liệu bê tông giả tre nứa nhằm hạn chế xâm hại do môi trường và khí hậu vùng rừng núi. Hạng mục trọng tâm được nâng cấp, xây dựng tôn tạo giai đoạn này là Quảng trường 19/8; bổ sung nội dung nhà trưng bày, đặc biệt là cụm công trình “Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

       Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu di tích Nha Công an Trung ương là một công trình mang ý nghĩa biểu tượng của lực lượng CAND; được  xây dựng trên đỉnh đồi B, vị trí trung tâm Khu di tích. Tượng đài được tạo tác từ chất liệu đá tự nhiên, với hình khối trung tâm được làm bằng đá granite. Tượng đài có chiều cao 21,6m, đường kính lớn nhất là 4,5m (phần hình tượng các nhân vật), nhỏ nhất là 3,5m (thân tượng đài); Riêng khối cờ và khối nhân vật cao 11,1m đặt trên khối bệ trụ tròn cao 10,2m.

 

<Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu di tích>
 
* Giai đoạn 2008 - 2010:
       Các công trình được xây dựng tôn tạo giai đoạn này gồm: Phù điêu “65 năm CAND chiến đấu, xây dựng và trưởng thành”; Bia ghi danh liệt sĩ CAND; Bia ghi danh các tập thể, cá nhân Anh hùng lực lượng CAND; Bảo tàng CAND tại Khu di tích; cờ Tổ quốc, cờ đảng tại Quảng trường 19/8...
 

<Quảng trường 19/8 >
 
       Tại Quảng trường 19/8, phía trên cờ Tổ quốc và cờ Đảng có chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá granits đỏ. Phù điêu 65 năm CAND chiến đấu, xây dựng và trưởng thành được xây dựng phía sau của tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng chất liệu đá granits đỏ. Thông qua ngôn ngữ điêu khắc, nội dung phù điêu thể hiện các sự kiện tiêu biểu trong lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng CAND và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với CAND. Mặt sau phù điêu là bia ghi danh các tập thể và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ tràng nhân dân thuộc lực lượng CAND.
 

<Bia ghi danh các tập thể, cá nhân Anh hùng CAND tại Khu di tích>
 
       Bảo tàng CAND tại Khu di tích được xây dựng tháng 5/2008 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2010). Bảo tàng có diện tích khoảng 2.000m2, gồm hai tầng; trưng bày khoảng 2.000 tài liệu hiện vật. Tại tầng một (tầng hầm) của nhà trưng bày, nội dung trưng bày giới thiệu thiệu thành tựu tiêu biểu của Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; mỗi tỉnh, thành phố được bố trí không gian trưng bày khoảng từ 2 - 3m2.

 
 
* Giai đoạn 2018 - 2019:
       Năm 2018, nhằm nâng cao hiệu quả vai trò quản lý và tổ chức phát huy giá trị đối với các di tích; trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các đơn vị chức năng, lãnh đạo Bộ Công an đã đồng ý chủ trương tiếp nhận trách nhiệm bảo vệ, quản lý và tổ chức phát huy giá trị 4 điểm di tích thuộc lực lượng CAND từ Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào về Ban Quản lý Khu di tích Nha Công an Trung ương. Các điểm di tích gồm: Di tích Bộ Công an thời kỳ 1953 - 1954; Di tích đơn vị MATH - tiền thân Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Di tích Trường Công an Trung cấp và Di tích Tiểu đoàn 600 - tiền thân Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

- Di tích Bộ Công an thời kỳ 1953 - 1954:


 
        Là nơi cơ quan Bộ Công an ở và làm việc từ đầu năm 1953 - giữa tháng 5/1954, hiên nay thuộc thôn Đồng Min, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; địa điểm nằm bên bờ hữu ngạn sông Phó Đáy, cách trung tâm xã khoảng 1,5km về hướng Đông Bắc.
 
- Di tích địa điểm đơn vị MATH:

 

       Di tích Đơn vị MATH tại thôn Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; là nơi ghi dấu sự ra đời của lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ CAND, cách Tân Trào khoảng 17km; cách trung tâm xã Đạo Viện - Công Đa, huyện Yên Sơn khoảng 3,5km.
 
- Di tích Tiểu đoàn 600:

 

       Di tích thuộc thôn Nà Đỏng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; là nơi Tiểu đoàn 600 được thành lập và đóng quân từ tháng 8/1953 - 8/1954.
 
- Di tích Trường Công an Trung cấp:

 

<Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và huấn thị lớp Công an Trung cấp khoá Tổng phản công>

       Di tích Trường Công an Trung cấp thuộc thôn Tân Thái, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi đào tạo Công an trung cấp khóa VII (khóa Tổng phản công I) từ tháng 3/1950 - 10/1950.

       Tháng 01/2019, cùng với Di tích Bộ Công an thời kỳ 1953 - 1954; Di tích đơn vị MATH và Di tích Tiểu đoàn 600, Di tích Trường Công an Trung cấp được bàn giao trách nhiệm bảo vệ, quản lý và tổ chức phát huy giá từ Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào về Ban Quản lý Khu di tích Nha Công an Trung ương. Đây cũng chính là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cùng sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, qua đó góp phần bảo vệ, phát huy và tôn vinh giá trị Khu Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương - cùng với các Khu di tích, khu lưu niệm CAND trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của các thế hệ CAND Việt Nam.



 
<BTT - Baotangcand.vn>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569