Về chúng tôi
Bảo tàng Công an nhân dân (CAND) có lịch sử hình thành và phát triển được bắt đầu bằng những hoạt động có tính chất nền móng từ những năm 1950, đó là các Chỉ thị số 1662 (ngày 10/3/1950); Chỉ thị số 3371 (ngày 18/10/1950); Chỉ thị số 378/VP (ngày 03/02/1956) của Nha Công an Trung ương và Bộ Công an về việc Sưu tầm, tài liệu hiện vật phá tề trừ gian, hiện vật của bọn gián điệp cài lại và bọn phá hoại hiện hành, thực hiện CAND, đồng thời tổ chức triển lãm phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân…
Bảo tàng Công an nhân dân (CAND) có lịch sử hình thành và phát triển được bắt đầu bằng những hoạt động có tính chất nền móng từ những năm 1950, đó là các Chỉ thị số 1662 (ngày 10/3/1950); Chỉ thị số 3371 (ngày 18/10/1950); Chỉ thị số 378/VP (ngày 03/02/1956) của Nha Công an Trung ương và Bộ Công an về việc Sưu tầm, tài liệu hiện vật phá tề trừ gian, hiện vật của bọn gián điệp cài lại và bọn phá hoại hiện hành, thực hiện CAND, đồng thời tổ chức triển lãm phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân…
Ngày 15/6/1967, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 405 CA/QĐ quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Cục Tuyên huấn, trong đó có Phòng Bảo tàng. Sự kiện lịch sử này đánh dấu sự ra đời của Bảo tàng CAND. Từ đây, lực lượng CAND có một đơn vị chuyên trách để sưu tầm, bảo quản và trưng bày giới các sưu tập có giá trị của ngành Công an; đồng thời tổ chức tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về lịch sử phát triển của lực lượng CAND phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vào dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và lực lượng CAND.
Đất nước thống nhất, ngày 31/3/1976, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 56/CT về tăng cường công tác bảo tàng và truyền thống trong ngành Công an, Bảo tàng CAND đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các đợt triển lãm; cán bộ Bảo tàng tổ chức sưu tầm, thu thập hiện vật trên cả nước để hình thành hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng CAND sau này. Năm 1985, Bảo tàng CAND được khánh thành Nhà trưng bày tại số 66 phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bảo tàng trở thành một địa chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ CAND, nhất là học sinh, sinh viên các trường CAND đến tham quan, học tập và là nơi để giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử xây dựng và trưởng thành của CAND Việt Nam.
Triển khai Chỉ thị số 25/CT-BVN của Bộ Nội vụ (Bộ Công an) ngày 18/12/1993 về công tác bảo tàng truyền thống trong lực lượng CAND, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới và sự phát triển của lực lượng CAND, ngày 01/12/1995, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ/BNV (X13), nâng cấp Bảo tàng CAND thành Bảo tàng công cộng đầu ngành và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tại số 1 Trần Bình Trọng, Hà Nội. Ngày 19/8/2000, kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống CAND, Bảo tàng CAND được khánh thành, mở cửa phục vụ rộng rãi công chúng trong nước và quốc tế. Địa điểm mới của Bảo tàng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của ngành Công an; đây cũng là nơi vinh dự chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và huấn thị đối với lực lượng CAND vào năm 1946 và 1967. Tại đây còn cũng đón khác tham quan Di tích lưu niệm nhà ở và làm việc của của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, người có 28 năm liên tục giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an và có những đóng góp to lớn đối với lực lượng CAND…
Hiện nay Bảo tàng CAND tại tòa nhà 5 tầng (số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), với 3 tầng dành cho trưng bày, diện tích trưng bày khoảng 1.200m2. Nội dung giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển cùng những cống hiến tiêu biểu của CAND trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với một số sưu tập tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân; Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; Lá thư thời chiến Công an nhân dân; Kế hoạch phản gián CM-12; Hợp tác quốc tế của Công an nhân dân Việt Nam… Hệ thống kho được phân loại theo chất liệu và bảo quản đảm bảo chế độ về độ ẩm, nhiệt độ…, với khoảng 2 vạn hiện vật, trong đó khoảng 96% hiện vật được kiểm kê khoa học.
Bảo tàng thuộc Cục X03, Bộ Công an; có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất thực hiện quản lý Nhà nước về di sản văn hóa Công an nhân dân; tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Công an nhân dân; tổ chức hoạt động của Bảo tàng Công an nhân dân. 100% cán bộ Bảo tàng tốt nghiệp Đại học và đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ công an.
Bảo tàng mở cửa miễn phí, đón khách tham quan từ thứ Ba đến thứ Bảy; đồng thời, hàng năm Bảo tàng tổ chức từ 3 đến 5 đợt trưng bày chuyên đề, triển lãm tại chỗ và lưu động trên cả nước. Trang thông tin điện tử của Bảo tàng CAND có địa chỉ: http://baotangcand.vn.