Bảo tàng trong nước

Bảo tàng Công an Hà Nội - nơi lưu giữ di sản văn hóa Công an Thủ đô Hà Nội

       Nhà truyền thống Công an thành phố Hà Nội được xây dựng từ năm 1972 với 5 gian trưng bày, được bố trí tại trụ sở Công an thành phố Hà Nội 87 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Với 2.000 tài liệu hiện vật, ảnh giới thiệu về lịch sử Công an Thủ đô, phòng truyền thống là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội.

       Ngày 18/8/2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bảo tàng Công an Hà Nội khánh thành mở cửa đón khách tham quan trong và ngoài nước tại số 67 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


<Một góc Bảo tàng Công an Hà Nội>

       Tại Bảo tàng có công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Công an thành phố Hà Nội. Trải qua những chặng đường lịch sử, Công an Hà Nội đã cống hiến cho đất nước 327 người con ưu tú trong đó có 239 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 69 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ và 19 liệt sĩ thời kỳ xây dựng đất nước.
 
       Bảo tàng với diện tích 1.600m­­2, trong đó  có trên 1.000m2 diện tích trưng bày (gồm 08 phòng trưng bày được chia làm 2 tầng). Với gần 900 tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày trên 1.000m2, Bảo tàng Công an thành phố Hà Nội với một diện mạo mới, một không gian thiết kế hiện đại, trưng bày mạch lạc, dễ hiểu và hệ thống thông tin, bài viết bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp. Hệ thống trưng bày gồm các chủ đề theo giai đoạn lịch sử đã phản ánh những giai đoạn lịch sử quan trọng của Công an Hà Nội và những đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ gắn với nhịp sống phát triển của Thủ đô.

       Phòng khánh tiết Bảo tàng Công an Hà Nội là không gian tôn vinh những đóng góp và thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Thủ đô và đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó của lực lượng Công an Hà Nội, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng Công an Hà Nội những phần thưởng cao quý. 

Phần trưng bày chuyên đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an Hà Nội

       Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Công an. Với tư tưởng Công an từ Nhân dân mà sinh ra vì Nhân dân mà phục vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ Công an nhân dân về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến lúc đi xa, Bác đã 5 lần đến thăm Công an Hà Nội. Người luôn kịp thời khen tặng, khích lệ cán bộ, chiến sĩ đạt được kết quả tốt trong công việc. Đặc biệt Người còn dành tình cảm thân mật cho gia đình các cán bộ, chiến sĩ trong các dịp Tết.

 
        Phòng trưng bày các lực lượng Công an:
       Giới thiệu về các lực lượng Công an thường xuyên tiếp xúc với dân, gần dân, gắn bó với Nhân dân, là hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân Thủ đô. Mỗi lực lượng có nhiệm vụ khác nhau nhưng đều chung một mục đích là giữ gìn an ninh trật tự, đem lại bình yên cho Nhân dân: Cảnh sát giao thông; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát PCCC; Cảnh sát cơ động và lực lượng an ninh. 

 

 
        Phòng trưng bày các lực lượng Công an 1945 - 2015
       Phòng trưng bày giới thiệu về lịch sử Công an Hà Nội thông qua trang phục, các phụ kiện trong Ngành. Qua trang phục công chúng thấy được sự phát triển của lực lượng Công an cũng như bộ máy tổ chức của Công an Hà Nội. Từ tháng 8/1945 ở Bắc bộ thành lập Sở Liêm Phóng, ở Trung bộ có Sở Trinh sát, ở Nam bộ là Quốc gia tự vệ cuộc. Tháng 4/1946 thành lập Ty Công an Hà Nội (tiền thân là Sở Liêm Phóng Bắc bộ). Đổi tên thành Sở Công an Hà Nội tháng 10/1954, đến tháng 6/1981 đổi tên thành Công an thành phố Hà Nội. Năm 2008, Công an thành phố Hà Nội hợp nhất với Công an Hà Tây. Bộ máy gồm có 77 đơn vị cấp cơ sở. Ở mỗi thời kỳ, trang phục có sự thay đổi: Trước năm 1962 sử dụng 1 bộ trang phục chung cho cả lực lượng. Từ năm 1962 - 1988 có 2 bộ trang phục mới là bộ Cảnh sát nhân dân và Cảnh sát giao thông. Từ năm 1988 thay đổi trang phục cũ và thêm trang phục dành cho lực lượng an ninh và lễ phục. Từ năm 1998 thay đổi trang phục cũ có thêm trang phục cho Cảnh sát cơ động.

 

<Một góc trưng bày các lực lượng Công an 1945 - 2015>

       Góc trưng bày tái hiện Đồn Công an:
       Đồn Công an là đơn vị cấp cơ sở trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, giữ vai trò trọng yếu. Đồn Công an là nơi gần dân, sát dân và tiếp xúc với dân nhiều nhất, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu dân cư, trực tiếp nắm tình hình trên địa bàn, quản lý nhân hộ khẩu và các đối tượng vi phạm pháp luật. Đồn Công an có nhiệm vụ phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Đồn hoạt động 24/24h, thường xuyên có cán bộ trực ban giải quyết công việc cho Nhân dân.

 

 
       Phòng trưng bày Công an Hà Nội bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954):

       Giới thiệu sự ra đời của Công an Hà Nội và Công an Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 -1954. Trong những ngày đầu giành được độc lập lực lượng Công an đã đảm bảo giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ lãnh tụ của Đảng, đảm bảo trật tự an ninh đường phố. Phát hiện và vạch trần âm mưu phản động của các tổ chức phản cách mạng và tổ chức cho quần chúng nhân dân đấu tranh trong thời kỳ 1945 -1946.

       Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, lực lượng Công an Hà Nội đã tiên phong mở đường vào nội thành, hình thành thế trận trong lòng địch diệt ác trừ gian; xây dựng cơ sở nắm tình hình địch. Bên cạnh đó lực lượng Công an Hà Nội đã củng cố phát triển lực lượng, giữ vững an ninh trật tự ở vùng tự do, trừ gian phá tề khiến địch hoang mang, góp phần làm nên chiến thắng của các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

<Góc trưng bày Công an Hà Nội bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

        Phòng trưng bày Công an Hà Nội giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1954 - 1975)
       Công an Hà Nội đã kiên quyết đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Công an Hà Nội tăng cường bảo vệ giao thông các tuyến phố và tuyến đường trọng điểm; chiến đấu và phục vụ chiến đấu đồng thời xung phong tình nguyện vào miền Nam chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chuyên án gián điệp, phản động ... đều bị Công an Hà Nội khám phá đập tan âm mưu chia rẽ, mua chuộc người dân của các thế lực thù địch. Tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng; chiến đấu, hy sinh thầm lặng để cho Nhân dân có cuộc sống hòa bình yên vui.


<Góc trưng bày Công an Hà Nội giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1954 - 1975)>

       Phòng trưng bày Công an Hà Nội trong thời kỳ trước đổi mới đất nước 1975 - 1986  
       Đây là thời kỳ đất nước thống nhất 2 miền Bắc - Nam, Công an Hà Nội tiếp tục gánh vác những trọng trách trong tình hình mới. Ổn định tình hình an ninh trật tự sau ngày giải phóng, đấu tranh chống phản cách mạng, Công an Hà Nội tập trung trấn áp, truy quét bọn lưu manh, côn đồ, tham ô, đầu cơ buôn lậu, ổn định trật tự công cộng, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển.

 

<Góc trưng bày Công an Hà Nội trong thời kỳ trước đổi mới đất nước 1975 - 1986>
 
        Phòng trưng bày Công an Hà Nội từ đổi mới đến nay (1986 - 2015)
       Đây là thời kỳ đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 30 năm đổi mới, Công an Hà Nội luôn bám sát nhiệm vụ đảm bảo giữ vững ổn đinh chính trị trong mọi tình huống; đấu tranh chống mọi âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Đập tan mọi mưu mô phá hoại của bọn phản động trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho dân luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với sự phát triển của Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội đã không ngường vươn lên trưởng thành toàn diện.   

 

<Góc trưng bày Công an Hà Nội từ đổi mới đến nay (1986 - 2015)>

       Hàng năm Bảo tàng Công an Hà Nội đón hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Có thể nói Bảo tàng là một thiết chế văn hóa giáo dục quan trọng, đã và đang góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Công an nhân dân - một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam./.
 

 
 <Bài và ảnh Nam Phong – Bảo tàng CAND>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569