Trao đổi nghiệp vụ

Tọa đàm một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại

       Sáng ngày 26/11, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại”, nhằm tiếp cận tư duy mới, hướng đi của một bảo tàng hiện đại.
 

       Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 7/2017. Là một bảo tàng non trẻ, công tác thiết kế và thi công trưng bày vẫn đang được triển khai gấp rút để có thể mở cửa Bảo tàng đón khách tham quan từ cuối năm 2019.
 

<Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.
Ảnh Nguyễn Long>

       Tham gia buổi tọa đàm có lãnh đạo các bảo tàng Quốc gia, bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng một số tỉnh, thành phố. Các diễn giả và đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động bảo tàng để qua đó trao đổi, thảo luận chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng, đồng thời giúp Bảo tàng Báo chí tiếp cận những tư duy mới về làm bảo tàng, tạo hướng đi mới của một bảo tàng hiện đại.
 

<Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Nguyễn Long>


Tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào công chúng

       Theo PGS,TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bảo tàng ở Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên số lượng bảo tàng có đông khách đến tham quan thì không vượt qua con số 5. Chính vì vậy, đòi hỏi những người làm bảo tàng phải quan tâm đến việc xây dựng bảo tàng hiện đại, mang lại sức sống mới, đạt hiệu quả xã hội cao nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

       Trên thế giới, bảo tàng chính là bộ mặt của một quốc gia, của một ngành nghề nào đó, nhưng ở nước ta lĩnh vực này còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Một số bảo tàng lớn, nằm ngay trung tâm Thủ đô nhưng luôn trong tình trạng vắng khách. Do đó, các bảo tàng cần đổi mới nội dung, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm để thu hút khách tham quan. Ngay cả với Bảo tàng Báo chí Việt Nam chuẩn bị mở cửa cũng cần phải có hệ thống trưng bày thực sự hấp dẫn, khoa học, có chiến lược thu hút công chúng ngay từ đầu để khi ra đời sẽ đáp ứng sự mong mỏi của xã hội.



<PGS,TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trao đổi
tại tọa đàm.
Ảnh Nguyễn Long>


       PGS,TS Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng, bảo tàng là nơi tập hợp đa ngành nghề, nhưng tựu chung lại có ba trục vấn đề chính là khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Đây được coi như “chân kiềng” để vươn tới xây dựng một bảo tàng hiện đại. Hoạt động của bảo tàng trước đây lấy hiện vật làm trung tâm thì ngày nay đã dần chuyển sang lấy con người làm trung tâm. Do vậy, trong trưng bày, các bảo tàng cần cố gắng cho du khách được trải nghiệm tất cả các giác quan, thậm chí cầm, nắm, ngửi, nếm… “Các bảo tàng cần cố gắng tạo ra nhiều hoạt động tương tác để khách được tham gia và trải nghiệm. Đó có thể là các hoạt động tương tác ngay trong phòng trưng bày, tương tác ở những trưng bày chuyên đề, hay tương tác ở những không gian khám phá giành riêng cho thế hệ trẻ. Một bảo tàng hiện đại không thể bỏ qua vấn đề tương tác” - PGS,TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.

       Với Bảo tàng Báo chí, chủ thể đầu tiên là lực lượng đông đảo các nhà báo nên bảo tàng phải có cách thức để thu hút các nhà báo tham gia, từ việc đóng góp hiện vật, tài liệu đến tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Bảo tàng. Đồng thời cần phải kết nối khách tham quan với nhân vật, sự kiện xã hội ở quá khứ và cả đương đại vào trong các hoạt động của bảo tàng.

 


<Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh Nguyễn Hùng>

 

Thường xuyên đổi mới các trưng bày chuyên đề

       Tại buổi tọa đàm, diễn giả Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, cố vấn, quản lý Bảo tàng Áo dài chia sẻ những câu chuyện, đồng thời là kinh nghiệm xuất sắc của bản thân đồng nghiệp trong quá trình đưa Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Áo dài đến với đông đảo công chúng.
 

       Là bảo tàng chuyên đề về tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược, Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một trong những bảo tàng thu hút khách quốc tế đông nhất trong hệ thống bảo tàng, di tích cả nước. Tính từ năm 1975 đến hết năm 2015, Bảo tàng đã đón hơn 17 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 6,7 triệu lượt khách quốc tế, hơn 8,55 triệu lượt khách Việt Nam và hơn 1,8 triệu lượt khách tham quan triển lãm lưu động. Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết, để thu hút đông đảo du khách đòi hỏi các bảo tàng phải thường xuyên đổi mới các chuyên đề để người xem mỗi lần đến với bảo tàng đều thấy được cái mới, hấp dẫn. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, hiện Bảo tàng chứng tích chiến tranh có 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên về tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh… Các chuyên đề được xây dựng trên những kịch bản riêng, khoa học và hấp dẫn. Bên cạnh đó, hàng năm Bảo tàng sẽ thực hiện từ 4 đến 10 triển lãm chuyên đề nhằm giúp khách tham quan tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc, độc đáo từ nhiều góc độ khác nhau.

 

<Diễn giả Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ những câu chuyện làm nghề.
Ảnh Nguyễn Long>
 
Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu


       Ngoài những chuyên đề hấp dẫn, bà Huỳnh Ngọc Vân cho rằng, đội ngũ hướng dẫn viên rất quan trọng và cần được quan tâm. Những câu chuyện trong trưng bày chuyên đề, đặc biệt là những chuyên đề mang thương hiệu riêng của từng bảo tàng phải được người hướng dẫn viên truyền tải. Họ chính là cầu nối giữa sự kiện và công chúng. Đồng thời là người nắm bắt tâm lý, tình cảm, mối quan tâm, diễn biến tâm lý của khách trong quá trình tham quan để có thể điều chỉnh nội dung, phong cách thuyết minh, hướng dẫn cho phù hợp. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả tương tác giữa du khách với bảo tàng, rất cần có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu cho từng đối tượng.

       Việc tổ chức giao lưu, tương tác với các nhân vật, nhân chứng cũng là một hình thức để thu hút khách đến với các bảo tàng. Ngoài việc trò truyện, chia sẻ, hai bên còn có thể giao lưu bằng âm nhạc, hội họa và nhiều hình thức nghệ thuật khác. Họ chính là các cộng tác viên, hướng dẫn viên đặc biệt của Bảo tàng.
 

<Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Ảnh Nguyễn Long>

       Ngoài ra, các chuyên gia văn hóa, nhà quản lý bảo tàng cũng đã có tham luận sôi nổi, làm rõ lợi thế cũng như thách thức của công tác tổ chức, quản lý hoạt động của các bảo tàng trong giai đoạn hiện nay, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác trưng bày, hướng dẫn khách tham quan, khai thác hiệu quả ý nghĩa lịch sử của hiện vật.

       Nhiều ý kiến cho thấy tư duy mới trong tiếp cận phương pháp tổ chức hoạt động của bảo tàng hiện đại: phát huy hiệu quả giá trị hiện vật trên cơ sở lấy khách tham quan làm trung tâm; tăng cường dịch vụ phụ trợ, chú trọng tính mỹ thuật cũng như kế thừa có hiệu quả thành tựu công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả trưng bày; đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế./.

 

<Khôi Nguyễn bảo tàng CAND>
 


 

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569