Tri ân

Di tích lưu niệm nhà ở và làm việc của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thời kỳ 1967 - 1981 tại Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn (1916 - 1986), tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh; sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

       Do ảnh hưởng của tư tưởng yêu nước tiến bộ, Nguyễn Trọng Cảnh sớm giác ngộ cách mạng. Từ 1930 đến 1933, tham gia tổ chức Học sinh Phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm phu mỏ ở Mỏ chì Ba Neng (Lào). Năm 1934 đồng chí được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương; vào cuối năm 1934, hoạt động bí mật ở Hà Nội, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù và 5 năm đày đi biệt xứ. Năm 1936, đồng chí vượt ngục ra Hà Nội hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ, ở Ban Quản trị các Báo Bạn Dân, Thời Thế, Hà Thành Thời báo. Từ 1937 - 1939, đồng chí là Uỷ viên Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Năm 1940, đồng chí công tác ở cơ quan Báo Cờ Giải Phóng, phụ trách trạm giao thông của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuối năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án 6 năm tù, 20 năm quản thúc và bị đày ở Nhà tù Sơn La; ở đây đồng chí được bầu là Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ Nhà tù. Năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo tù chính trị đấu tranh đòi tự do và tổ chức đưa 200 cán bộ cách mạng vượt ngục về xuôi an toàn được phân công là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1946, đồng chí được cử làm phái viên của Trung ương Đảng ở Hà Nội. Năm 1947, Bí thư Liên khu uỷ Liên khu II. Năm 1948, Bí thư Khu uỷ Khu X. Từ 1949 - 1952, đồng chí là Bí thư Khu uỷ Đặc khu Hà Nội. Tháng 9 năm 1952, đồng chí giữ chức vụ Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tháng 2 năm 1953, Thứ trưởng Thứ Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 8/1953). Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1972 đồng chí là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Từ năm 1961 đến năm 1980, đồng chí tham gia Quân ủy Trung ương, cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

       Với 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí với cách mạng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân Công hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương khác.

       Di tích lưu niệm nhà ở và làm việc của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi đồng chí đã ở và làm việc từ năm 1967 - 1981.

       Năm 1966 - 1967 khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, đã quyết định xây dựng căn hầm cạnh ngôi nhà là nơi ở và làm việc cho đồng chí Bộ trưởng. Ngôi nhà là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của gia đình và những dấu ấn của đồng chí Bộ trưởng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân.


<Di tích lưu niệm nhà ở và làm việc của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ảnh Nam Phong>
 
       Từ năm 2000, cùng với việc khánh thành Bảo tàng Công an nhân dân tại số 1 Trần Bình Trọng, di tích được tu bổ (bảo tồn nguyên trạng) và mở cửa phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.

Di tích gồm có 3 phòng:

       Phòng khách được bày biện giản dị, là nơi tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước tới thăm đồng chí Bộ trưởng. Tại đây còn có nhiều hiện vật có giá trị gắn bó với đồng chí Bộ trưởng như bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14, tháng 1/1960; Chủ tịch Hồ Chí Minh và phu nhân tiếp đón Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp.

 

<Phòng khách, ảnh Nam Phong>

       Phòng ngủ được sắp xếp đơn giản với chiếc giường chiếc tủ gỗ mộc. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có một thói quen nghe đài là những thông tin nhanh do thư ký thu lại qua các tờ tin nhanh Thông Tấn xã Việt Nam mà trong ngày Bộ trưởng bận không có thời gian xem để nắm bắt kịp thời để chỉ đạo công tác. Chiếc bàn vuông nơi bác sĩ thường xuyên kiểm tra bệnh cho Bộ trường. Bộ trưởng có bệnh về tim mạch nên bác sĩ khuyên đồng chí thường xuyên đi bộ mỗi chiều quanh Hồ Thiền Quang, cùng đi có đồng chí Thư ký hoặc cán bộ bảo vệ. Trong góc phòng ngủ là tủ sách của đồng chí Bộ trưởng, ngoài những cuốn sách nghiên cứu khoa học nghiệp vụ, Bộ trưởng cũng dành thời gian nghiên cứu các tác phẩm văn học nước ngoài, âm nhạc… Mỗi loại sách đều có dấu “tủ sách cá nhân”.


<Phòng ngủ, ảnh Nam Phong>

       Phòng làm việc của đồng chí Bộ trưởng - là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ trưởng cùng với các đồng chí trong Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an; nhất là trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Cũng tại nơi này, Bộ trưởng cùng lãnh đạo Bộ Công an có những quyết sách quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ bảo vệ sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa; chi viện An ninh miền Nam và kịp thời chỉ đạo các mặt công tác Công an, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

       Bàn làm việc của Bộ trưởng được sắp xếp khoa học có các ngăn kéo, hai bên đựng các loại tài liệu được phân chia theo từng loại: Trung ương, Ngành, lưu, giải quyết…hiện vẫn còn bút tích của đồng chí Bộ trưởng. Trên bàn làm việc lưu giữ chiếc đèn bên trên chiếc đèn là chiếc kính lúp để soi chiếu tài liệu. Chiếc chặn giấy được ghi bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp nhìn từ hai phía thể thiện tư tưởng luôn động não suy xét cẩn thận. Hộp gỗ để bì thư các cỡ để sắp xếp các công văn tài liệu đến phân loại theo từng cấp độ bí mật và theo qui định loại thư nào đồng chí Thư ký được bóc xem trước, loại nào đồng chí Bộ trưởng trực tiếp xử lý; là một sáng kiến trong việc sắp xếp một cách khoa học thể hiện tính cẩn trọng, cụ thể chính xác trong phong cách làm việc của Bộ trưởng.

 

<Phòng làm việc, ảnh Nguyễn Long>

       Phía sau của ngôi nhà là hầm trú ẩn, có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, do Bộ Quốc phòng thiết kế xây dựng năm 1967. Hầm sâu 4m có đặt thiết bị thông hơi lọc độc - phóng xạ; bên trong căn hầm có 4 cảnh cửa chuyên dụng và cửa thoát hiểm. Hầm bê tông chống được các loại bom hạng nặng và vũ khí sát thương hàng loạt.
 

<Học viên Học viện An ninh nhân dân tham quan hầm trú ẩn tại di tích, ảnh Nguyễn Long>

       Di tích lưu niệm nhà ở và làm việc của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về tấm gương đạo đức, cách mạng của đồng chí Bộ trưởng; là nơi tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và là một địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách khi đến Thủ đô.
 

<Hai người con của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn xem lại những kỷ vật - kỷ niệm của gia đình tại di tích, ảnh Nguyễn Dương>
 

<Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham quan di tích ngày 05/11/2020, ảnh Nguyễn Dương>
 

<Đoàn đại biểu Phòng Chính trị - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tham quan di tích ngày 16/2/2017, ảnh Nguyễn Long>



 
<Nam Phong - Bảo tàng CAND>

Bản đồ chỉ dẫn
Hỗ trợ trực tuyến

Phạm Thu Trà

Email: thutra.pham@gmail.com

Hotline: 0962344569