Vang bóng một thời
Công an nhân dân - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên lịch sử
Những ngày đầu tháng Năm, mỗi người dân Việt Nam lại hướng về mảnh đất Điện Biên, nơi nhắc nhớ về một mùa hè lịch sử, nơi sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến dịch Điện Biên Phủ là hồi kết huy hoàng cho 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian nan thử thách, là sự kết tinh từ trí tuệ, tinh thần của Đảng với những đối sách lãnh đạo đầy quyết đoán và đúng đắn, từ những bộ óc thao lược quân sự tài tình và trên hết là tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng ghi lại những dấu ấn đậm nét về tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân (CAND), những người chiến sĩ âm thầm góp sức cho tiền tuyến đánh bại kẻ thù xâm lược. Những tài liệu, hiện vật về lực lượng CAND trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND là minh chứng sống động cho những chiến công thầm lặng mà oanh liệt ấy.
Năm 1953, sau 8 năm đeo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, thực dân Pháp rơi vào thế trận sa lầy, tổn hao sinh lực không lối thoát: các chiến dịch liên tục bị thất bại, quân lực thiệt hại ngày càng tiến đến những con số khổng lồ, vùng chiếm đóng ngày càng thu hẹp. Quân Pháp loay hoay mắc kẹt giữa việc tập trung lực lượng để xoay chuyển tình thế với phân tán quân để chiếm đất giành dân, đối phó với lực lượng du kích của ta. Chi phí cho chiến tranh ngày càng cao làm cho nền kinh tế tài chính Pháp kiệt quệ, tình hình chính trị xã hội bất ổn, nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương.
Trước tình hình đó, với hi vọng cứu vãn tình thế, Pháp tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ. Ngày 7/5/1953, tướng Henri Navarre, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cử tới Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Sau khi điều tra và nghiên cứu tình hình, ngày 24/7/1953, Navarre trình bày kế hoạch trước Hội đồng Quốc phòng do Tổng thống Pháp chủ tọa. “Kế hoạch Navarre” với mục tiêu tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định làm cơ sở cho một cuộc đàm phán hòa bình trên thế mạnh gồm hai bước:
- Bước thứ nhất: Thu Đông 1953 và Xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc; thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam.
- Bước thứ hai: Từ Thu Đông năm 1954, sẽ dồn toàn lực ra miền Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi quyết định về quân sự, tạo tiền đề có lợi trên mặt trận ngoại giao.
Để thực hiện mục tiêu, thực dân Pháp tăng cường tung gián điệp và biệt kích hỗn hợp phá hoại vùng hậu phương chiến lược của ta (gồm Bắc Bộ, Liên khu IV, Tây Bắc...), đồng thời ráo riết triển khai các hoạt động tình báo gián điệp, thực hiện âm mưu gây phỉ. Bên cạnh đó, chúng kết hợp sử dụng các hoạt động chiêu hàng, mua chuộc lực lượng kháng chiến, hoạt động biệt kích và chiến tranh tâm lý trong vùng căn cứ ở Trung Bộ và Nam Bộ. Từ tháng 5/1951, chúng thành lập “Đội biệt kích hỗn hợp nhảy dù” (GCMA) đặt tại Sài Gòn có chi nhánh ở khắp các địa phương ba miền ở Lào, Campuchia. Chúng ra sức nuôi dưỡng, kích động các phần tử phản động, nhất là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa, bọn phản động trong các dân tộc ít người.
Trước âm mưu của địch, ngay từ đầu những năm 1950, Đảng ta đã chủ trương củng cố, kiện toàn về tổ chức và đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trong tình hình mới.
Ngày 23/11/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 26 - QN/TW về “công tác công an” cùng nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết quan trọng khác, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, các khóa huấn luyện, trao đổi nghiệp vụ, tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng Công an trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
Hoạt động trong vùng tạm chiếm, lực lượng Công an luôn được nhân dân đùm bọc, thương yêu, hết lòng giúp đỡ về mọi mặt: từ nuôi giấu, dẫn đường tới vận chuyển tài liệu mật qua vùng địch kiểm soát.
.png)
<Phương tiện nhân dân sử dụng nuôi giấu, giúp đỡ lực lượng Công an thời kỳ kháng chiến chống Pháp>
Ở vùng tự do căn cứ kháng chiến, lực lượng Công an làm nòng cốt phát động các phong trào "phòng gian bảo mật", "ngũ gia liên bảo", thực hiện khẩu hiệu "3 phòng" "3 không", hướng dẫn nhân dân tổ chức các biện pháp bảo vệ như: rào làng kháng chiến, đánh mõ hiệu liên thôn..., nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần bảo vệ tốt vùng tự do, vùng giáp ranh, khu căn cứ.
.png)
<Nhân dân xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây tổ chức rào làng chống địch càn quét>
.png)
<Đồng bào Nam Bộ đánh mõ hiệu liên thôn khi có địch đi càn>
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “phòng gian bảo mật, tổ chức đấu tranh truy bắt gián điệp biệt kích, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ các cơ quan, kho tàng ở mỗi địa phương. Với phương châm “lấy vận động chính trị là chính, kết hợp với tiến công quân sự”, tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc thành lập Ban thống nhất chống phỉ do đồng chí Trần Quyết, Bí thư Khu ủy làm Trưởng ban. Đến cuối tháng 4/1954 ta đã dập tắt hầu hết các cụm phỉ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc. Tháng 12/1953, Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VIII đã quán triệt nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Chính phủ là “đánh giặc và cải cách ruộng đất”. Lực lượng Công an một mặt tích cực, chủ động vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng thời tổ chức trấn áp các đối tượng gián điệp, phản động, cường hào, thổ phỉ, bảo đảm an ninh nông thôn, vùng hậu phương và các khu căn cứ.
.png)
<Lực lượng Công an bao vây sở chỉ huy phỉ ở Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La, năm 1953>
Đầu năm 1954, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với mục tiêu giành thắng lợi quân sự quyết định. Sau khi cân nhắc kỹ tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Lực lượng Công an đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở hầu hết các địa phương, Công an nhân dân tích cực thực hiện làm trong sạch nội bộ, chống địch thâm nhập, bảo vệ nghiêm ngặt tài liệu, bí mật của Đảng và Nhà nước.
.png)
<Phương tiện của các tiểu đội AD, AT làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ thời kỳ kháng chiến chống Pháp>
Ngành Công an đã thành lập “Ban công an Tiền phương” nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận của Chính phủ, một số tỉnh thuộc Tây Bắc cũng thành lập Ban công an tiền phương cấp tỉnh. Nhiệm vụ của Ban là bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, đường hành quân, nơi trú quân của bộ đội. Lực lượng công an các địa phương đã cùng chính quyền tiến hành lựa chọn, xét duyệt những người đủ tiêu chuẩn đi dân công, phân loại, bố trí họ vào những công việc thích hợp. Đội ngũ dân công được học tập kỷ luật chiến trường, nội dung công tác giữ gìn bí mật, phòng chống do thám của địch... Trong các đoàn dân công đều có công an các huyện, xã đi cùng để bảo đảm an toàn trong suốt chặng đường vận chuyển.
.png)
<Lực lượng Công an bảo vệ các đoàn dân công vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ>
.png)
<Lực lượng Công an bảo vệ các đoàn xe vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ>
Được sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng và sự ủng hộ tích cực của quần chúng, lực lượng công an đã vây bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống điều tra phá hoại cầu cống, bến phà, đường giao thông, phương tiện vận chuyển; điều tra khám phá thành công nhiều vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động điều tra về giao thông, chỉ điểm cho máy bay địch ném bom bắn phá.
Tháng 4/1953, lực lượng Công an xác lập chuyên án TN25 đấu tranh với toán gián điệp thuộc chi nhánh biệt kích hỗn hợp nhảy dù do tên Bô-ca chỉ huy. Qua nguồn tin từ cơ sở, lực lượng Công an nắm được hoạt động của 3 nữ gián điệp gồm Chu Thị Lan, Chu Thị Hương và Lê Thị Tân ở vùng tự do thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sử dụng trò chơi nghiệp vụ để đấu tranh với địch, lực lượng Công an đã khống chế người của địch tại chỗ, sử dụng chính phương tiện và điện đài của chúng liên lạc về trung tâm chỉ huy, hướng mọi kế hoạch hoạt động của địch theo sự chuẩn bị trước của ta. Thành công của Chuyên án TN25 đã mở đường cho công tác đấu tranh chống gián điệp biệt kích bằng phương pháp phản gián điện đài mà sau này đã thu được những thành tựu hết sức to lớn.

<Phương tiện lực lượng Công an thu giữ và sử dụng đấu tranh với gián điệp biệt kích >
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công vào Him Lam, mở đầu chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân địch nhanh chóng rơi vào thế bị động nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng Công an trong bảo vệ bí mật kế hoạch tác chiến và các hoạt động di chuyển quân sự, quét sạch các cơ sở hoạt động do thám gián điệp của chúng và phát huy cao độ, rộng khắp phong trào quần chúng “Phòng gian bảo mật” được phát động khắp. Sau 56 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ, chiều 7/5/1954, cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị đập tan, tướng Đờ cát -xtri cùng toàn bộ Bộ tham mưu ở Điện Biên Phủ xin đầu hàng.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, tạo tiền đề cho thắng lợi của ta trên bàn đàm phán. Giữa tháng 3/1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ta dự hội nghị Genève tại Thụy Sĩ. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Minh Tiến và Lê Hữu Qua đi cùng đoàn làm công tác bảo vệ . Khi đến Genève, đoàn công tác đã họp để xác định vai trò và trách nhiệm của từng đồng chí và xây dựng nội quy bảo vệ. Các đồng chí công an đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho từng thành viên, bảo vệ nơi ăn ở và làm việc, bí mật tài liệu, chủ trương đàm phán, chống tình báo địch xâm nhập đánh cắp tin tức.

<Giấy ra vào Hội nghị Genève của đồng chí Lê Hữu Qua tham gia bảo vệ phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa>
Sau quá trình đấu tranh căng thẳng trên bàn Hội nghị, đến ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, đưa cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Công an nhân dân, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp của Đảng, sự quan tâm, giáo dục và rèn luyện của Bác Hồ đã lập nên những chiến công oanh liệt, đạt được những bước trưởng thành vượt bậc. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản hùng ca trường tồn với tinh thần yêu nước, sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam mà trong đó vẫn luôn sáng ngời những chiến công, đóng góp to lớn của người chiến sĩ Công an cách mạng kiên cường, bất khuất./.
<Bài Thu Trà - Bảo tàng CAND>